Trẻ sơ sinh nên nằm điều hòa bao nhiêu độ?
Khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa các bậc phụ huynh cần chú ý duy trì nhiệt độ phòng ngủ ổn định, hạn chế những thay đổi nhiệt độ quá lớn, đặc biệt là cho trẻ nằm điều hòa đúng cách để đảm bảo sức khỏe.
1. Đặc điểm thân nhiệt của trẻ sơ sinh:
Giai đoạn sơ sinh là khoảng thời gian được tính từ sau khi bé chào đời đến khi bé được đủ 30 ngày tuổi. Trẻ sơ sinh còn rất non yếu, trẻ không có khả năng tự điều hòa nhiệt độ cơ thể như những trẻ lớn hơn hoặc người lớn.
Trẻ có thời gian nằm trong bụng mẹ khá dài, suốt 40 tuần luôn được ấm áp với thân nhiệt của mẹ trong khoảng khoảng 37.5 – 38 độ C. Vì vậy sau khi chào đời, trẻ sơ sinh thường rất dễ bị lạnh nếu không được chú ý chăm sóc: Lau khô người sau tắm, mặc áo, quấn khăn đội mũ hoặc thực hiện da kề da với người mẹ.
Nếu để trẻ sơ sinh trần truồng trong phòng với nhiệt độ 23 độ C thì sẽ trẻ bị lạnh tương tự như một người lớn trần trụi trong căn phòng 0 độ C. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cho trẻ nằm điều hòa đúng cách.
2. Trẻ sơ sinh nằm điều hòa bao nhiêu độ là phù hợp?
Trẻ em nằm điều hòa bao nhiêu độ là thắc mắc của rất nhiều gia đình đang có có nhỏ. Một đứa trẻ sinh đủ tháng và được chăm sóc đúng cách sẽ có thân nhiệt bình thường ở khoảng 36.5 – 37.5 độ C. Nếu trẻ được mặc quần áo đầy đủ, bao tay, bao chân, đội mũ và đắp chăn mỏng thì trẻ sơ sinh có thể chịu được nhiệt độ phòng dao động từ 26 - 28 độ C.
Ở mức nhiệt độ này đối với người lớn, đặc biệt là những người có thể trạng mập mạp, béo phì sẽ cảm thấy nóng bức. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh là nhiệt độ vừa đủ để trẻ cảm thấy lạnh và cần phải mặc đủ quần áo. Vì vậy, người lớn không nên áp dụng mức nhiệt độ phòng theo ý muốn của mình khi có sự hiện diện của trẻ mới sinh.
3. Nhiệt độ điều hòa thích hợp đối với trẻ lớn:
Qua giai đoạn sơ sinh (lớn hơn 30 ngày tuổi), cơ thể trẻ đang dần dần hoàn thiện các chức năng sinh lý. Lúc này cơ thể trẻ phát triển rất nhanh và tỏa ra nhiệt lượng lớn hơn so với giai đoạn sơ sinh. Vì vậy, tùy lứa tuổi mà trẻ em nằm điều hòa bao nhiêu độ thì an toàn cũng rất khác nhau:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi: 26 – 28 độ C
- Trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi: 16 – 20 độ C
- Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên thì < 24 độ C thì trẻ mới cảm thấy dễ chịu.
Nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống mới là nhiệt độ mà trẻ cảm thấy lạnh đối với tất trẻ em ở mọi vùng miền. Tùy từng trẻ mà nhiệt độ điều hòa thích hợp có thể khác nhau một vài độ, vì vậy để kiểm tra trẻ đang cảm thấy nóng hay lạnh, phụ huynh hãy sờ vào phần bụng hoặc ngực của trẻ để kiểm tra.
Nếu tay cảm thấy da của bé nóng hoặc trẻ có đổ mồ hôi thì hãy cởi bỏ lớp áo. Nhiệt độ >27 độ C sẽ làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ nhũ nhi (trẻ có độ tuổi từ 2 - 12 tháng tuổi) nhất là từ 2 – 6 tháng tuổi.
Nhiệt độ >27 độ C sẽ làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ nhũ nhi
4. Cho trẻ nằm điều hòa đúng cách:
- Khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa, ngoài việc chú ý đến trẻ em nằm điều hòa bao nhiêu độ thì phụ huynh cùng nên đặt một chậu nước hoặc một chiếc khăn ẩm trong phòng, giúp cung cấp độ ẩm không khí và tránh cho da trẻ bị khô, mất nước.
- Tránh để trẻ sơ sinh nằm tại nơi có luồng gió của máy lạnh thổi trực tiếp vào người. Khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa, nếu trẻ ra mồ hôi nhưng mẹ không lau kịp sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh, vì vậy cần thường xuyên chú ý đến thân nhiệt của trẻ. Nếu cảm thấy cơ thể trẻ bị nóng hoặc trẻ đổ mồ hôi thì bố mẹ nên bỏ bớt lớp áo hoặc chăn rồi kiểm tra thân nhiệt của bé trở lại sau vài phút.
- Sử dụng dung dịch nước muối sinh lí để nhỏ mũi cho trẻ giúp tránh khô mũi. Tuy nhiên không lạm dụng nước muối hàng ngày cho trẻ.
- Chú ý vệ sinh điều hòa định kỳ để tránh vi khuẩn, nấm mốc gây hại tích tụ bên trong và phát triển.
- Thay tã ngay khi tã của trẻ bị ướt.
- Không nên bế trẻ đi ra đi vào phòng điều hòa và môi trường bên ngoài quá thường xuyên, sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm trẻ tăng tiết dịch mũi họng.
Ngoài việc sử dụng điều hoà đúng cách giúp trẻ sơ sinh tránh mắc các bệnh lý đường hô hấp trên, cha mẹ còn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.